BÁO CÁO LÍ THUYẾT CHUYÊN ĐỀ TOÁN LỚP 3
"Tăng cường dạy học trải nghiệm và rèn kĩ năng học tập môn Toán cho học sinh lớp 3"
Người báo cáo: Trịnh Thị Thu
Ngày báo cáo: 28/12/2018
- ĐẶT VẤN ĐỀ
Nội dung giảng dạy của Tiểu học luôn gắn liền với thực tiễn, phục vụ thiết thực cho cuộc sống. Mỗi môn học ở Tiểu học đều góp phần vào việc hình thành và phát triển nhân cách học sinh. Tất cả các kiến thức kĩ năng của môn Toán đều được ứng dụng trong thực tế cuộc sống và rất cần thiết cho người lao động. Toán học có liên hệ mật thiết với thực tiễn và có ứng dụng rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau của khoa học, công nghệ cũng như trong sản xuất và đời sống. Với vai trò đặc biệt, Toán học trở nên thiết yếu đối với mọi ngành khoa học, góp phần làm cho đời sống xã hội ngày càng hiện đại và văn minh hơn. Bởi vậy, việc rèn luyện cho học sinh năng lực vận dụng kiến thức Toán học vào thực tiễn là điều cần thiết đối với sự phát triển của xã hội và phù hợp với mục tiêu của giáo dục Toán học.
Việc lồng ghép hoạt động trải nghiệm sáng tạo vào giáo dục các môn học đặc biệt trong môn toán là một trong những hình thức đổi mới phương pháp dạy học. Bởi lẽ học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm tức là hoạt động dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh được tham gia trực tiếp vào các hoạt động thực tế giúp các em tìm ra kiến thức và vận dụng được kiến thức vào cuộc sống.
Trong từng tiết học, với từng bài, giáo viên lựa chọn nội dung để cho học sinh hoạt động trải nghiệm. Việc tổ chức lồng ghép hoạt động trải nghiệm sáng tạo vào trong tiết dạy cũng là một biện pháp mà giúp học sinh có cơ hội nghiên cứu, tìm ra giải pháp mới, sáng tạo những cái mới trên cơ sở cái đã cho. Như thế, giáo viên sẽ dần dần từ bỏ được các thói quen dạy học thụ động, phù hợp với cách đánh giá qua thi cử “dạy gì học nấy”, thói quen dạy chay, không làm chủ thiết bị, không bao quát đối tượng học sinh, bỏ rơi học sinh tiếp thu chậm, chỉ chú trọng truyền đạt kiến thức, không chú trọng rèn luyện kỹ năng, ứng dụng.
Xuất phát từ thực tế ấy chúng tôi mạnh dạn nghiên cứu và mở chuyên đề "Tăng cường dạy học trải nghiệm và rèn kĩ năng học tập môn Toán cho học sinh lớp 3"
II. Thực trạng việc dạy học hiện nay:
1. Những thuận lợi:
- Nhiệm vụ trọng tâm năm học 2018 - 2019 đã chỉ rõ: quản lí, tổ chức dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng và định hướng phát triển năng lực học sinh; điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp đặc điểm tâm sinh lí học sinh tiểu học. Khuyến khích sự sáng tạo và đề cao trách nhiệm của giáo viên và cán bộ quản lý. Triển khai các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, giáo dục theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, tự học, phát triển năng lực học sinh. Đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chú trọng việc nhận xét, động viên, góp ý học sinh trong quá trình học tập. Khuyến khích giáo viên tăng cường xây dựng kế hoạch dạy học gắn với thực tế và tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm.
2. Những khó khăn:
- Những ứng dụng của Toán học vào thực tiễn trong Chương trình và sách giáo khoa cũng như trong thực tế dạy học Toán chưa được giáo viên quan tâm một cách đúng mức và thường xuyên. Trong các sách giáo khoa môn Toán và các tài liệu tham khảo về Toán thường chỉ tập trung chú ý những vấn đề, những bài toán trong nội bộ Toán học; số lượng ví dụ, bài tập Toán có nội dung liên môn và thực tế trong các sách giáo khoa để học sinh học và rèn luyện cũng rất ít. Một vấn đề quan trọng nữa là trong thực tế dạy Toán, các giáo viên không thường xuyên rèn luyện cho học sinh thực hiện những ứng dụng của Toán học vào thực tiễn, chưa quan tâm đến việc tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm.
- Việc thiết kế một bài học Toán thoát ly sách giáo khoa gắn với thực tế cuộc sống, tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm đòi hỏi giáo viên phải có trình độ chuyên môn vững vàng, tâm huyết với nghề và đầu tư nghiên cứu đáng kể.
III. Giải pháp khắc phục:
1. Nắm vững chương trình và chuẩn kiến thức kĩ năng:
Chương trình toán ở Tiểu học thống nhất với 5 mạch nội dung:
* Số học.
* Đại lượng và đo đại lượng.
* Hình học.
* Yếu tố thống kê.
* Giải toán có lời văn.
Người giáo viên phải nắm vững nội dung chương trình, chuẩn kiến thức kĩ năng và mục tiêu yêu cầu cần đạt của cấp học, lớp học, từng chương, từng bài. Từ đó, giáo viên mới định hướng được sẽ dạy thoát ly sách giáo khoa ra sao, gợi ý cho học sinh chọn các dữ liệu toán học nào cho phù hợp nội dung và gần gũi với thực tế cuộc sống hàng ngày của các em. Các nội dung về đại lượng và đo đại lượng, hình học, yếu tố thống kê, giải toán có lời văn đều có thể dựa vào mục tiêu bài học để thoát ly sách giáo khoa, lấy các dữ liệu gần gũi với cuộc sống của học sinh; các em được thực hành, trải nghiệm tự mình tìm ra các dữ liệu bài toán
2. Xây dựng kế hoạch dạy học trải nghiệm.
Hiện nay người giáo viên được chủ động trên bục giảng, thoát ly sách giáo khoa để hướng đến những phương pháp giảng dạy sáng tạo, kích thích tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Với từng bài học cụ thể, căn cứ vào mục tiêu và chuẩn kiến thức kĩ năng, căn cứ vào nội dung dữ liệu trong sách giáo khoa mà giáo viên có thể xây dựng kế hoạch dạy học thoát ly SGK từng phần hoặc thoát ly hoàn toàn. Khi xác định được các nội dung dạy học có thể thoát ly SGK, người giáo viên chủ động, linh hoạt lựa chọn “con đường” đi cho mình, có thể sử dụng những nguồn tài liệu nào gần gũi với cuộc sống học sinh, tổ chức cho học trải nghiệm (Thảo luận, thực hành cân, đong, đo đếm, ...) như thế nào để có dữ liệu phục vụ cho việc giảng dạy đảm bảo đúng chuẩn kiến thức kĩ năng của bài học, môn học, học sinh tiếp thu một cách nhẹ nhàng, hiệu quả…
3. Vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học.
Giáo viên cần vận dụng một cách linh hoạt các phương pháp dạy học nhằm tránh sự đơn điệu, nhàm chán đồng thời phát huy được tính tích cực, chủ động, tinh thần hợp tác, … cho học sinh. Các phương pháp thường được sử dụng trong tiết dạy học Toán như phương pháp pháp dạy học theo nhóm, hỏi đáp, thực hành,… cùng các hình thức: dạy học cá nhân, dạy theo nhóm, lớp, dạy ngoài lớp học,...
Khi hoạt động nhóm, giáo viên có thể vận dụng linh hoạt bố trí nhóm từ 2 đến 6 học sinh tùy theo điều kiện thực tế về không gian lớp học. Giáo viên cần tạo mọi điều kiện để học sinh tự bộc lộ quan điểm của bản thân, quan sát, giúp đỡ các nhóm, các cá nhân đặc biệt là những học sinh gặp khó khăn để phát huy hết năng lực của học sinh. Được như vậy tiết dạy sẽ đảm bảo 100% học sinh trong lớp đều hoàn thành công việc của mình.
IV.Ví dụ minh họa cụ thể:
Toán 3
Hình vuông
Mục tiêu cần đạt của tiết học là: Biết được đặc điểm của hình vuông có 4 góc vuông, có 4 cạnh đều bằng nhau..
Ở bài học này học sinh được thực hành trải nghiệm bằng cách đo trực tiếp các góc, cạnh trên một vật cụ thể. Từ đó tiết toán khô khan trở nên sinh động, nhẹ nhàng hơn. Qua đó tích hợp giáo dục học sinh biết giữ vệ sinh trường lớp, vệ sinh nhà cửa …
Các phương pháp áp dụng ở tiết học này là: thực hành, hỏi đáp… Các hình thức tổ chức dạy học là: nhóm, cá nhân…
Cách thực hiện:
Hoạt động 1: Hình thành kiến thức
Mục tiêu: Học sinh nhận biết được hình vuông qua đặc điểm về cạnh và góc của nó. Vẽ được hình vuông đơn giản trên giấy kẻ ô vuông
Mở đầu là hoạt động thực hành, giáo viên đưa ra yêu cầu: dùng ê ke kiểm tra các góc ở đỉnh của hình, so sánh độ dài các cạnh của hình. Với hoạt động này học sinh được trải nghiệm, thực hành đo theo nhiệm vụ được giao và có dữ liệu về các số đo.
*Tích hợp giáo dục học sinh biết giữ gìn vệ sinh trường lớp, vệ sinh nhà cửa…
Từ các số liệu học sinh đo được về độ dài cạnh và kiểm tra góc.
Hoạt động 2: Luyện tập
* Với hoạt động này học sinh làm việc cá nhân.
Mục tiêu: Nhận biết được hình vuông qua đặc điểm về cạnh và góc của nó. (BT1)
BT2: Biết đo độ dài cạnh của một số hình vuông. BT 3: Kẻ thêm một đoạn thẳng để có được hình vuông. BT4: HS vè được hình vuông theo mẫu vào giấy ô li.
Hoạt động 3: Củng cố kiến thức
- Hs nhắc lại kết luận về đặc điểm của hình vuông.
V. Kết luận:
Kế hoạch dạy học môn toán lớp 3 tăng cường dạy học trải nghiệm gắn với thực tế cuộc sống, tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm được thực hiện trong các tiết học có nội dung liên môn và thực tế trong các sách giáo khoa để học sinh học và rèn luyện. Một vấn đề quan trọng nữa là trong thực tế dạy Toán, các giáo viên sẽ thường xuyên rèn luyện cho học sinh thực hiện những ứng dụng của Toán học vào thực tiễn, quan tâm đến việc tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm. Việc dạy học Toán gắn với thực tế cuộc sống, tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm đòi hỏi giáo viên phải có trình độ chuyên môn vững vàng, tâm huyết với nghề và đầu tư nghiên cứu đáng kể.